_________________

Home
Escape from Vietnam
Hunger
Vietnam Future
A Moment
Jedi Masters
Resume
Me Oi
Muoi Thuong
Khi Da Muon Roi
Tho Tinh
Tho To Quoc
Poem Collections

____________________

 

 

Khi Ðã Muộn Rồi

Những tia nắng sớm xuyên qua cánh cửa lưới đâm vào mắt làm tôi cựa mình tỉnh giấc.  Hôm nay là ngày thứ bảy, một trong những ngày mà tôi có quyền ngủ nướng thêm mấy tiếng.  Tôi ngồi dậy, dụi cặp mắt lem nhem nhìn cái đồng hồ số ở trên bàn cạnh giường. Mới có bảy giờ sáng.  Hãy còn sớm chán.  Tôi chui vào chăn co người khò tiếp.

Tiếng điện thoại inh ỏi ngay đầu giường giật tôi ngay ra khỏi giấc mộng thật là đẹp.  Mẹ kiếp thằng khốn nào gọi vào sáng sớm thứ bảy như thế này...

- A lô!

Tiếng thằng Bảo từ đầu dây bên kia vang lên:

- Mày đó hả, đang làm gì đó?

-  Tao đang ngủ.

- Bộ mày muốn thành cái thùng phi hay sao mà giờ này còn ngủ. Biết mấy giờ rồi không con?  Chín rưỡi rồi đó.

Tôi bực quá, chửi lại:

- Tao thành cái thùng phi thì kệ cha tao, mắc mớ gì tới mày! Gọi tao có chuyện gì đó, thằng khỉ gió?

- Mày có ra chơi banh với tụi thằng tài, thằng Mập không?  Tụi nó hẹn ở trường lúc mười giờ đó.

Nói chuyện một lúc, tôi đã tỉnh ngủ hẳn.  Trời cũng sáng hẳn ra rồi, chẳng còn thể nào nướng thêm được nữa.  Cơn ghiền basketball lại trở lại trong nguời tôi.  Gần cả tháng rồi tôi chưa đi chơi vì bận học thi.  Hôm nay mà không chơi nữa thì ngứa tay lắm.  Nghĩ vậy, tôi nói vào máy:

- Okay!  Tao đánh răng rửa mặt xong rồi tao chạy ra trường ngay.  Mày có muốn tao đón không hay là mày đi thẳng ra đó luôn?

- Tao chạy thẳng ra đó bây giờ.  Ê, mày gọi thằng Huấn luôn giùm tao nghe.

- Okay! Thôi bye thằng khốn kiếp!

Cúp máy xong, tôi quay số gọi cho thằng Huấn ngay. Tiếng điện thoại reng rồi giọng thằng Huấn lè nhè trong phôn:

-A lô, ai đó?

- Tao nè! Ê, mày có muốn ra chơi banh bây giờ với tụi thằng Mập không?

- Mệt quá mày ơi!  Tối hôm qua tao đi party tới ba giờ khuya mới về. Mà bây giờ mấy giờ rồi?

- Gần mười giờ rồi.  Mày ngủ bảy tiếng đủ rồi.  Sức mày là sức bò mà mệt cái quái gì.  Mày đánh răng rửa mặt đi rồi tao tới nhà mày ngay bây giờ, Ok?

- Bye!

Ðánh răng rửa mặt sơ xong, tôi thay vội cái quần và xỏ chân vào đôi giày rồi ra xe nổ máy đi ngay.  Trời hôm nay thật là đẹp. Nền trời xanh không một áng mây đen.  Ánh nắng mặt trời hãy còn dịu, chưa gắt lắm.  Tới khoảng trưa chắc có thể nóng tới  90 độ chứ không ít.  Những ngày mùa hè như vậy sống ở California thật là sướng.  Tôi nhủ thầm ngày hôm nay nếu không đi tắm biển thì thật là uổng.

Tới nhà thằng Huấn thì cũng vừa lúc nó mới đánh răng rửa mặt xong.  Hắn chỉ cái ghế xa-lông bảo tôi:

- Mày ngồi đó đợi một lát.  Tao vào thay cái quần với mang giày xong là đi ngay.

Vừa lúc ấy, mẹ Huấn ở trong phòng bước ra.  Tôi đứng dậy khoanh tay chào:

- Dạ thưa bác ạ!

Bà cuời nhìn tôi bảo:

- Cháu ngồi xuống chơi đi cháu.  Hôm nay anh em tụi bay đi đâu đây?

Huấn đáp:

- Dạ, tụi con đi chơi banh bây giờ, rồi có thể sẽ đi ăn hoặc tắm biển buổi trưa. Chắc khoảng chừng ba, bốn giờ chiều con mới về mẹ.

- Thế còn đám cỏ ngoài vườn thì bao giờ anh Hai mới chịu cắt đây?  Cái phòng của anh Hai như đống rác bao giờ mới dọn đây?

Huấn bẽn lẽn nói:

-  Thì con đi chơi chiều về con làm mà mẹ.  Còn cả chiều hôm nay với ngày mai, thiếu gì thì giờ mà mẹ lo.

Mẹ Huấn lắc đầu, quay qua nhìn tôi:

- Cháu coi đó, nhà thì trăm ngàn công việc mà nó thì cứ hết đi chơi banh, rồi tắm biển, rồi party cả ngày, đùn việc cho lũ em nó không.  Tối hôm qua nó chẳng nói gì với bác cả, đi party cho tới ba giờ khuya mới về, làm bác đợi nó tới khuya, chỉ sợ có việc gì không may xảy ra cho nó.  Sáng ra mới nứt mắt là đã lo đi chơi banh, không nói với mẹ được một tiếng nào.  Con với cái như vậy coi có khổ không chứ?

Những lời nói của bà làm tôi tự nhiên có cảm giác phạm tội và khó chịu vô cùng.  Dĩ nhiên tôi là một trong những tên bạn có trách nhiệm, vì đã rủ rê Huấn đi chơi banh, tắm biển, ăn uống quá độ mà bỏ bê việc nhà.  Nhưng xét cho kỷ, lỗi không hoàn toàn ở chúng tôi mà phần lớn là ở Huấn. Hắn là một nguời có quá nhiều năng lực, nhưng lại lười làm việc nhà kinh khủng.  Huấn cao khoảng năm feet bảy, có một bộ ngực vạm vỡ và một thân hình rất thể thao.  Trong tất cả những tên bạn chơi basketball chung với tôi, hắn là người nhảy cao nhất, chạy nhanh nhất, dai sức nhất và có nhiều khả năng thể thao nhất. Trong khi những người khác chỉ chơi có basketball, hắn chơi cả đá banh và bóng chuyền, thỉnh thoảng còn tập chạy đua nữa. Ðã thế, hễ có party ở đâu là ở đó có mặt hắn. Vì vậy mà chẳng mấy khi hắn có ở nhà. Gọi điện thoại tới nhà, ít khi tôi gặp hắn, trừ phi vào sáng sớm thứ bảy và chủ nhật là lúc hắn còn nằm khò trong giường. Lần nào tôi tới nhà, mẹ Huấn cũng than phiền về hắn.

Tôi cũng có khuyên nhủ hắn một vài lần, nhưng hắn nghe rồi ậm ừ, từ lỗ tai này qua lỗ tai khác cho xong. Vì thế, hắn vẫn tiếp tục ham chơi, và tôi vẫn tiếp tục nghe mẹ Huấn than phiền dài dài.

Tôi đứng im một hồi, ngượng thay cho Huấn, rồi nói lấp liếm:

- Dạ, hôm nay tụi cháu đi chơi sớm rồi trưa về chứ không đi lâu đâu bác. Thưa bác, cháu đi bây giờ luôn ạ.

Mẹ Huấn thở dài, rồi nhìn tôi nói:

- Ừ, thôi hai anh em tụi bay đi chơi vui vẻ.  Chiều nhớ về sớm nghe Huấn.

- Dạ, thưa mẹ con đi ạ.

Ra khỏi nhà Huấn, tôi cảm thấy như vừa trút được một gánh nặng ngàn cân khỏi lồng ngực.  Dầu không phải lỗi tôi, tôi vẫn cảm thấy ngột ngạt và ngượng ngùng mỗi lần phải nghe mẹ Huấn kể tội hắn.

Nhìn qua Huấn, tôi thấy mặt hắn vẫn tuơi tỉnh, còn huýt sáo líu lo nữa, tôi bực quá, muốn sạc cho hắn một trận rồi lại thôi.  Thật ra, Huấn không phải là không thương mẹ, nhưng hắn quá vô tâm và ham chơi.  Hai mươi bốn tuổi rồi mà tính hắn vẫn như con nít, khoái đùa giỡn nham nhở, dễ nổi nóng và dễ đánh nhau.  Nhưng bù lai, Huấn lại là một người bạn rất trung thành và thành thật.  Bạn bè nhờ vả điều gì, hắn đều cố gắng làm cho bằng được.  Chúng tôi chơi basketball với nhau đã năm, sáu năm nay, đã đi nát hết cả California và đã đấu với không biết bao nhiêu đội banh khác.  Trong những trận đấu đó, tôi không nhớ hết được những cuộc xích mích và những lần đánh nhau. Nhưng lần nào cũng vậy, Huấn luôn luôn hùng hổ nhảy ra bảo vệ bạn bè của hắn.  Tôi còn nhớ rõ một lần chơi ban ở công viên Mile Square Park, tôi bị một tên Mỹ đen chơi xấu gạt chân té sưng mặt. Tôi chưa kịp đứng dậy ăn thua đủ với tên Mỹ đen thì Huấn đã nhảy tới đấm nó đến máu miệng chảy dầm dề.  Kể từ đó, tình bạn của chúng tôi vốn đã thân thiết lại càng thân thiết hơn.

Bầu trời hôm nay thật trong sáng.  Tôi thầm nhủ hãy khoan giảng "mo-ran" cho tên đầu bò cứng cổ này.  Ðợi chơi banh, tắm biển và ăn uống xong rồi sẽ nói chuyện với hắn cũng chưa muộn.

                            *

Buổi tập banh hôm nay vắng mặt Huấn và Bảo.  Ðối với tôi, sự vắng mặt của Bảo không có chi lạ lùng.  Thằng này quen thói ngủ nướng, dù nó thích chê bai người ta về thói này, và mang bệnh xài giờ dây thung kinh niên.  Nhưng sự vắng mặt của thằng Huấn là một chuyện hiếm có.  Tôi nghỉ thầm có lẽ hắn bị mẹ dùng xiềng khóa chân tay nhốt ở nhà, hoặc là cô đào của hắn nổi hứng đòi chở đi chơi bất tử. Trừ mấy việc đó ra, họa là có thánh mới giữ được hắn khỏi đi chơi basketball.

Chơi hết game thì cũng vừa lúc thằng Bảo lò dò tới. Nó đến bên tôi, nét mặt đầy lo lắng nói:

- Ê, mày biết chuyện gì vừa mới xảy ra không?

- Mày hỏi như vậy thì có bố tao cũng không hiểu nổi!  Chuyện gì xẩy ra vậy?

- Mẹ thằng Huấn bị tai nạn vô nhà thương rồi.

Tôi ngạc nhiên hỏi nhanh:

- Mẹ nó bị đụng xe hả?

- Không. Chiều hôm qua mẹ nó ở trong nhà tắm bả trợt chân té đập đầu vào cạnh bồn tắm. Mẹ nó nằm bất tỉnh trong đó cả tiếng đồng hồ.  Các em nó thấy lâu quá mới đập cửa và phá cửa vào.  Mẹ nó được cho vào nhà thương ngay từ chiều hôm qua.  Tao nghe nói mẹ nó bị coma cho tới hôm nay vẫn chưa tỉnh.

- Oh shit! Mà làm sao mày biết được?

- Tao gọi đến nhà nó sáng nay.  Em nó nói là nó vào nhà thương thăm mẹ nó.  Tao thấy vậy hỏi tiếp mới biết chuyện đó chứ.

- Vậy mày biết mẹ nó ở nhà thương nào không?

- Hình như là ở Fountain Valley Community Hospital thì phải.

- Tao với mày về tắm, thay quần áo rồi đi thăm mẹ nó ngay bây giờ đi Bảo.

- Ừ, tao với mày đi.

Tôi lượm trái banh và quần áo rồi đi vội ra xe, đầu óc vẫn còn ngớ ngẩn vì cái chuyện không may xảy ra cho mẹ Huấn.  Vẫn biết rằng tai họa có thể xảy đến cho bất cứ ai, nhưng khi nó đến với một người mình quen biết, tôi vẫn cảm thấy bàng hoàng vô cùng.

                                                *

Mẹ Huấn đã về nhà được gần một tháng. Bà bị bất tỉnh mất một ngày rưỡi.  Lúc chúng tôi đến thăm, bà hãy còn bất tỉnh nên chỉ ngồi một tí là chúng tôi đã bị bác sĩ đuổi ra.  Bà nằm nhà thương một tuần thì được về nhà.  Nhưng như vậy không có nghĩa là bà đã hết bệnh.  Bà đã tỉnh táo và đi đứng được.  Tuy vậy bà lại mắc thêm những chứng bệnh khác.  Bà bị đau đầu suốt ngày vì vết thương của cái té trong phòng tắm, cộng thêm chứng chóng mặt và đau cổ.  Bà đi lại chừng khoảng mườI bước là mặt mày choáng váng, phải ngồi xuống nghỉ một lúc, rồi mới tiếp tục làm việc được. Bà phải đeo một miếng vải đặc biệt quấn quanh cổ để giữ cho cổ được thẳng và ấm.

Từ hôm bà về nhà đến giờ, tôi và Bảo có đến thăm bà mấy lần.  Trông hình dạng của bà bây giờ, tôi xúc động vô cùng.  Truớc kia, bà mập mạp và khoẻ mạnh biết bao nhiêu.  Bây giờ, bà sút mất ít nhất là 30 pounds.  Khuôn mặt bà hóp vào, đôi mắt lờ đờ mà không nhắm lại.   Hầu như cả ngày, bà chỉ ngồi yên một chỗ.  Tôi cảm thông cho sự đau khổ của bà vô cùng.  Những cơn đau đầu, nhức cổ liên tục đủ làm cho người ta điên lên rồi.  Huống chi, bà lại là một ngườI hoạt động, thích làm việt suốt ngày.  Thế mà bây giờ bà phải ngồi yên một chỗ chịu đựng những cơn đau đầu.  Tôi cứ tưởng tượng nếu tôi bị như bà, chắc có lẽ tôi không thể nào chịu nổi.

Từ khi mẹ hắn bị tai nạn, Huấn bớt đi chơi được ít lâu.  Hắn ở nhà săn sóc em, cắt cỏ, rửa chén được ít ngày.  Ðưôc một hai tuần lễ thì bệnh đau cổ của mẹ Huấn bớt đi được một ít.  Thế là cặp chân của hắn lại ngứa ngáy lên.  Hắn bắt đầu đi chơi thể thao và nhảy đầm liên tu bất tận trở lại.  Tới một tuần trước đây thì chẳng ngày nào tôi gọi mà có hắn ở nhà.  Hôm thứ bảy, tôi gặp được hắn khi hắn ra tập basketball.  Tôi có hỏi hắn đi đâu mà gọi lúc mười một giờ đêm cũng không gặp.  Hắn đáp là bận đi làm khuya, đi học ở trường và đi tập văn nghệ cho trường. Lúc tôi hỏi sao hắn không ở nhà săn sóc mẹ, Huấn hơi ngượng, nhưng hắn bảo tôi là mẹ hắn đã bớt nhiều. Vả lại em hắn ở nhà cả đàn, đâu cần phải có hắn ở nhà mới săn sóc mẹ được.  Tôi bực quá, sạc cho hắn một mạch về đạo làm con phải đối với bố mẹ như thế nào.  Hắn tỉnh bơ ngồi nghe tôi giảng đạo, chẳng đáp lại câu nào rồi tiếp tục ra chơi banh.  Thấy vậy, tôi cũng đành lắc đầu chịu thua.

                                                          *

Hôm nay là ngày chúng tôi khởi hành đi Philadelphia để tham dự Ðại Hội Thể Thao Bắc Mỹ mùa hè năm nay.  Chúng tôi đã chuẩn bị cho chuyến đi này từ mấy tuần trước.  Chúng tôi mướn xe van rồi lái qua bên Philadelphia.  Nếu đi suốt ngày đêm thì mất chừng hai ngày rưỡi sẽ đến.  Cả ngày hôm nay, tôi lo thu xếp quần áo và các thứ linh tinh khác mang theo.  Chúng tôi hẹn sẽ gặp nhau ở nhà Huấn lúc 9 giờ tối để cùng đi.  Ði ban đêm như vậy, lúc qua các sa mạc ở Arizona chúng tôi khỏi bị thành heo quay.

Thu xếp đồ đạc xong xuôi, tôi mới biết là mình còn thiếu một cái sport bag.  Tên Huấn thế nào cũng có dư vài cái.  Nghĩ vậy, tôi bèn ngồi xuống gọI cho hắn:

- A lô. Dạ thưa có Huấn ở nhà không ạ?

- Cháu nào đó?

- Dạ thưa bác, cháu là Quang ạ.

- Huấn nó đi hơn nữa tiếng rồi cháu ạ.  Nó nói là nó đi mua bàn chải và kem đánh răng.  Lát nữa cháu gọi lại nhé.

- Dạ vâng.  Cám ơn bác.

Cúp điện thoại xong, tôi gọi lại cho Bảo.  Hắn cũng không có ở nhà.  Tôi bèn bò xuống ăn sáng.

Một tiếng đồng hồ sau, tôi gọi cho Huấn lần nữa.  Hắn vẫn chưa về nhà.  Mẹ Huấn có vẻ lo lắng lắm.  Hắn bảo là đi mua đồ chừng nửa tiếng sẽ về, vậy mà gần hai tiếng đồng hồ rồi chẳng thấy hắn đâu. Mẹ Huấn dặn tôi nếu liên lạc được vớI hắn thì kêu hắn gọi về cho bà.  Tôi vừa vâng dạ vừa rủa thầm tên đầu bò chuyên môn làm cho mẹ  hắn phải lo lắng.

Cả ngày hôm đó, tôi gọI lại nhà Huấn mấy lần nữa.  Hắn vẫn chưa về nhà.  Bây giờ thì mẹ Huấn lo lắng thật sự.  Bà lấy sổ điện thoại của hắn ra, gọi cho tất cả những tên bạn của Huấn xem có biết hắn ở đâu không. Chẳng một ai biết hắn ở đâu cả.  Tôi nghe bà nói, vừa tức thầm Huấn, vừa tội nghiệp cho người mẹ quá thương con.

Tới chừng khoảng tám giờ tối, Huấn gọi lại tôi.  Vừa nghe giọng hắn trong điện thoại, tôi đã nhảy nhổm lên:

- Hê, cái thằng đầu bò, mày ở đâu vậy?

- Tao đang ở nhà một người bạn.

- Hôm nay mày có về nhà chưa?

- Chua.

- Ðồ mắc dịch, bà già mày lo cho mày lắm đó.  Bả chỉ sợ mày bị đụng xe hay tai nạn gì đó.  Mày có gọi về cho bả chưa?

- Tao vừa mới gọi về cho mẹ tao thành ra tao mới biết mày vừa gọi đây chứ.

- Mày đi đâu cả ngày hôm nay vậy?

- Tao đi mua bàn chải với kem đánh răng, rồi tới nhà bạn tao chơi và ăn cơm ở đấy.

- Bạn nào vậy?

- Thì bạn chứ bạn nào!

- À衠Tao biết rồi, mày tới nhà cô bé Thùy Anh chứ gì?

- Ừ! Vậy thì sao?

- Mày giấu tao cái gì được.  Mẹ kiếp thằng khốn nạn, lo đi chơi vớI đào mà chẳng nói gì cho bà già biết làm bả cuống cuồng cả ngày.  Rồi mấy giờ mày mới đi hở thằng kia?

- Mày sắp xếp đồ đạc xong hết chứ?

- Tao sắp xong hết rồi.  Mày có dư một cái sport bag không, cho tao mượn.

- Nủa tiếng nữa tao ghé qua nhà mày đó.  Tao chở mày đến nhà tao luôn, mày khỏi phải lái xe tới nhà tao rồi để xe ở đó. Tao có dư một cái sport bag nhỏ, lát nữa tao đưa cho.  Vậy là xong chứ gì?

- Okay! Bye

Quả nhiên, nửa tiếng sau Huấn đến đón tôi.  Trên xe, chúng tôi chỉ nói chuyện về lịch trình thi đấu trong đại hộI thể thao và những đối thủ đáng ngại của đội chúng tôi.  Vừa đến nhà Huấn, mẹ Huấn vừa thấy mặt chúng tôi đã nói:

- Con đi đâu cả ngày mà chẳng nói gì cả làm mẹ lo muốn chết.

Bà quay qua tôi nói:

- Cháu coi đó, tối hôm nay là các cháu đi chơi rồi.  Ít nhất là hai tuần sau mới về, vậy mà nó chẳng ở nhà chơi với mẹ với em. Sáng mới nứt mắt ra là đi đâu mất tiêu tới bây giờ mới về.  Rồi bây giờ lại sắp sửa đi nữa.  Cháu coi như vậy có bực không chứ!

Tôi chỉ biết đứng đó mà nghe bà nói.  Còn tên Huấn vừa nghe mẹ mang la đã lỉnh vội vào buồng tắm.  Tôi ngồi xuống nói chuyện với mẹ hắn và hỏi thăm về bệnh tình của bà:

- Bệnh của bác bây giờ bớt chưa ạ?

- Có, bác đã bớt nhiều rồi, nhưng cái chứng nhức đầu và chóng mặt vẫn vậy.  Mấy ông bác sĩ Mỹ cũng chạy luôn cháu ạ.

- Vậy bác có thử đi châm cứu hay uống thuốc ta gì chưa ạ?

- Bác có thử đi châm cứu ở trên Los rồi mà vẫn chẳng ăn thua gì.  Bệnh đã không bớt mà còn đau thêm mới chết chứ.

- Như vậy chắc bác nghỉ làm luôn phải không?

- Ừ.  Bác đang định mấy tháng nữa, bác bán nhà ở đây rồi sang Hawaii ở, may ra ở gần biển bệnh của bác có bớt chút nào không. Tới bây giờ thì tiền bạc, nhà cửa bác cũng chẳng ham gì nữa cháu ạ.  Bác chỉ mong ông trời cho bác sống được thêm vài năm nữa để nuôi lũ con của bác khôn lớn, chứ bác chẳng cần gì khác cả.

Lời nói của bà làm tôi xúc động vô cùng.  Tôi chợt nhớ đến mẹ tôi thật nhiều.  Trong lòng tôi vang vang câu hát: "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào..."  Tự nhiên tôi cảm thấy giận và ghét thằng Huấn vô cùng.  Mẹ nó còn sống ở đây và thương nó như vậy, mà nó không biết săn sóc và làm cho mẹ nó vui lòng.  Còn tôi, tôi có muốn được săn sóc phụng dưỡng mẹ tôi, dù chỉ một ngày thôi, để đền đáp ơn dưỡng dục trong muôn một cũng không được nữa.

Tiếng cuời nói ồn ào của thằng Tài, thằng Cẩm "Mập" ở ngoài cửa cắt đứt sự suy nghĩ của tôi.  Vừa lúc đó, Huấn cũng đã tắm và sửa soạn xong.  Vậy là mọi người có mặt đầy đủ ở đây rồi.  Tôi ngồi nói chuyện với bọn thằng Bảo một lúc rồi phụ thằng Huấn mang đồ ra xe.  Xong rồi, chúng tôi vào nhà chào mẹ Huấn.  Huấn ôm mẹ nó trước khi đi.  Me Huấn nhìn nó nói:

- Con đi chơi xa vui và nhớ giữ sức khoẻ nghe không.

Huấn cuời hì hì nói:

- Mẹ ở nhà nghỉ mệt, đừng lo lắng gì cho con cả.  Con thì ông trời có đánh cuũng không chết, mẹ đừng lo.

Chúng tôi lên xe lái đi.  Mẹ Huấn vẫn đứng đó nhìn theo cho tới lúc chúng tôi đi khuất.  Từ giờ cho đến khi tới Philadelphia còn hơn hai ngày nữa.  Tôi lấy cái sleeping bag trùm lên minh, vừa dỗ giấc ngủ vừa nhớ đến mẹ tôi.

                                                *

Tới bây giờ tôi vẫn còn quá xúc động để hiểu rõ việc gì đã xảy ra.  Thằng Huấn còn thê thảm gấp mấy lần.  Nó ngồi đó như người mất trí, chẳng biết gì đến việc xảy ra chung quanh.  Chúng tôi trở về từ Philadelphia hôm nay.  Ba ngày nằm trên chiếc xe van làm cho thằng nào thằng nấy đau lưng và toàn thân mỏi nhừ.  Càng về gần tới nhà, chúng tôi càng vui vẻ hơn.  Chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa thôi là tôi có quyền được đặt lưng lên chiếc giường êm ái ở nhà.  Lúc đó, tôi tưởng tượng là trên đời không thể có gì sung sướng hơn là được ngủ một giấc dài trên chiếc giường tuyệt vời ấy.

Lúc về tới nhà Huấn, tôi ngạc nhiên vô cùng vô sao có nhiều xe đậu trước nhà nó quá.  Tiếng khóc sụt sịt trong nhà vọng ra làm cho tôi và Huấn linh cảm như có một sự gì không may xảy ra.  Không kịp lấy đồ trong xe ra, chúng tôi chạy vội vào nhà xem có việc gì.

Xác mẹ Huấn, quàn trong vải liệm trắng toát, nằm giữa chiếc quan tài mở nắp đập ngay vào mắt chúng tôi.  Chúng tôi đứng sững ra đó, như ngườI chết đứng, không nhìn thấy gì nữa cả và cũng không hiểu việc gì đã xảy ra.

Mẹ Huấn đã chết thật rồi.  Cái chết của bà, tôi vẫn thấy không thật được.  Ba ngày hôm trước, khi chúng tôi bắt đầu lái xe về California, Huấn còn điện thoại cho mẹ.  Mẹ nó vẫn còn mạnh khỏe, và còn dặn nó lo về cho mau, đừng có rong chơi nhiều quá vì bà mong nó lắm.  Vậy mà bà đã chết.  Bà chết ngay ngày hôm sau, hai ngày trước khi chúng tôi về tới.  Bà chết sau một cơn nhức đầu dữ dội. Bác sĩ nói là bà chết vì bị đứt dây thần kinh trong đầu, ảnh hưởng của cái té từ mấy tháng trước.  Cơn bệnh quái ác mà bà hy vọng thắng được đã trở lại cướp mất cuộc đời của bà.

Tôi nhìn qua Huấn ái ngại vô cùng.  Nó vẫn đứng đó, nhưng không nghe gì cả, không thấy gì cả, và không hiểu gì cả.  Tiếng khóc của những đứa em nó khi thấy nó về lại càng to lên thêm như một bản nhạc não nùng đến có thể làm cho người ta điên lên được. Tôi không hiểu nó đang nghĩ gì, đang cảm thấy gì.  Tôi chỉ biết là bố mẹ tôi mất đã lâu, mà mỗi khi nghĩ tới các người, tôi vẫn cảm thấy buồn khổ vô cùng.  Mẹ nó mới mất, sự đau khổ của nó không thể có lời nào tả được.

                                                *

Mẹ Huấn chôn đã được hai ngày rồi.  Hôm nay tôi đến thăm nó và các em nó.  Bây giờ bố nó phải làm gà trống nuôi con.  Nó là anh cả nên phải có trách nhiệm săn sóc các em.  Mới có hai ngày mà tôi thấy nó thay đổi nhiều lắm.  Nó không nói nhiều nữa.  Tôi hỏi câu nào, nó trả lời câu đó, mắt đăm chieu như nhìn tận ở đâu.  Tôi thông cảm tâm trạng của nó lắm.  Chắc nó đang nhớ mẹ và hối hận nhiều.  Lúc mẹ nó còn sống, nó chẳng bao giờ nghĩ ngợi xa xôi cả. Nó thương mẹ nó, nhưng lại hay làm cho bà lo lắng và phiền lòng. Bây giờ mẹ nó mất rồi, chắc nó hối hận về những việc làm ngày trước của nó lắm.  Tôi và nó cứ ngồi nhìn nhau, chẳng thằng nào nói câu nào.  Một lúc lâu sau, tôi hỏi:

- Mày nghĩ gì mà cứ câm như hến hở thằng kia?

Giọng nói của nó hàng ngày oang oang như cái trống vỡ mà bây giờ sao nghe như một hơi thở:

- Tao hối hận quá mày ơi.  Giá bây giờ mẹ tao sống lại, tao sẽ ở nhà cả ngày, cắt cỏ, lau nhà, trông em tao, cho bả được vui lòng.  Nhưng bả làm sao sống lại được?  Tại sao?  Tại sao vậy? Tại sao khi tao biết là tao chưa bao giờ làm gì cho mẹ tao được vui thì bả đã chết rồi?  Tại sao khi tao hiểu ra bổn phận của tao thì đã muộn rồi?  Tại sao mẹ tao phải chết?  Bả hiền như vậy sao lại chết sớm như vậy?  Tại sao vậy hở mày?

Rồi nó ôm mặt khóc, khóc nức nở như một đứa bé.  Thằng này bình thường lì lợm như quỷ sứ, đánh nhau đến sưng mặt sưng mủi, chơi basketball đến gãy chân lọi tay mà nó vẫn cười hì hì.  Vậy mà bây giờ nó khóc ngon lành như vậy.  Nhìn nó khóc, tôi không cầm được nước mắt.  Tôi lại nhớ đến bố mẹ tôi.  Tôi có khác gì thằng Huấn đâu.  Bố mẹ tôi mất khi tôi hãy còn khờ dại, còn ham chơi vui đùa.  Ðể rồi cho suốt cuộc đời của tôi, lúc nào tôi cũng cảm thấy mình chưa trọn đạo làm con, chưa bao giờ làm cho bố mẹ mình được sung sướng, được vui lòng.  Tôi càng nghĩ lại càng tủi thân, và càng khóc lớn.  Hai thằng con trai hai mươi mấy tuổi đầu, bình thường phá phách như giặc, chẳng hề biết sợ ai, mà bây giờ lại nhìn nhau mà khóc như mưa như gió.

Trời dần dần tối.  Tôi thôi khóc, lau nước mắt và từ thằng Huấn ra về.  Tôi hôm nay, trời thật mát và dễ chịu.  Ở trên bầu trời đầy tinh tú, có một vài ngôi sao đang đổi ngôi, chợt lóe lên rồi tắt.  Tôi thầm hỏi không biết trong đêm nay sẽ có bao nhiêu người chết.  Trong đêm nay sẽ có bao nhiêu người mất cha, mất mẹ, và sẽ có bao nhiêu người suốt đời hối hận như hai đứa chúng tôi.

 

1987

Ðỗ Quang Trình